Việt Nam xuất siêu 24,31 tỷ USD. Điểm Sáng Tăng Trưởng và Định Hướng Tương Lai
Tin tức kinh tế
Dec 10, 2024
190
(PLO)- 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 715,55 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê ngày 6-12 cho thấy 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỉ USD.
Xuất siêu 24,31 tỉ USD, 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ 11 tháng đạt 369,93 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỉ USD, tăng 20%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỉ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66,5%).
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch 11 tháng sơ bộ đạt 345,62 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỉ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỉ USD, tăng 15,2%.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỉ USD.
Cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 354 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 1,5% toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng ở vị trí 23.
Ở chiều nhập khẩu, trong 30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22 với 326 tỉ USD, chiếm 1,3% tỉ trọng nhập khẩu toàn cầu.
Tuy năm 2023 do chịu ảnh hưởng mạnh sau đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu đã giảm nhưng sang năm 2024, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đã lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục khởi sắc.
Theo TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thành tích hiện nay có thể coi là một điểm sáng đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch căn bản, từ thâm dụng sản phẩm nguyên liệu, hàng sơ chế sang các sản phẩm chế biến, chế tạo. Đối với hàng nông sản, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao cũng ngày càng tăng lên.
TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng top đầu xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… Như vậy có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu nên cần phải có sự ứng xử tương xứng với vị trí hiện có. Chúng ta cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển đổi xanh và xem đây là cơ hội lớn để chuyển mình.
Nguồn: plo.vn
Hồng Uyên
Lưu ý
1. Các nhận xét trên chỉ đại diện cho ý kiến cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của trang web này;
2. Khi sao chép các bài viết, vui lòng ghi rõ nguồn từ "VNPlas.com (www.vnplas.com)" và bao gồm tên tác giả. Việc sử dụng cho mục đích thương mại cần có sự ủy quyền từ tác giả và trang web;
3. Nếu có sự vi phạm bản quyền, vui lòng liên hệ trực tiếp với tác giả hoặc gửi thư bằng văn bản đến công ty chúng tôi để được chuyển giao và xử lý.
Tin tức mới nhất

Việt Nam xuất siêu 24,31 tỷ USD. Điểm Sáng Tăng Trưởng và Định Hướng Tương Lai

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore tăng vượt bậc
