Ngành nhựa Kỹ thuật tại Việt Nam - khó khăn - cơ hội
Tình hình thị trường
Sep 06, 2024
123
Ngành nhựa kỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua là ngành sản xuất nhựa có tốc độ tăng trưởng cao nhất và giá trị sản phẩm nhựa kỹ thuật đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong tổng tỷ trọng của ngành nhựa tại Việt Nam. Bên cạnh những kết quả, ngành nhựa kỹ thuật cũng đang gặp phải một số khó khăn, thách thức về công nghệ sản xuất hạn chế còn chưa cập nhật kịp thời và nguồn nguyên liệu nhựa, phụ gia ngành nhựa chưa ổn định, nhựa kỹ thuật phụ trợ phụ thuộc vào nước ngoài.
Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật khá phong phú, đa dạng bao trùm hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất từ cơ khí, điện, điện tử, viễn thông đến xây dựng, giao thông, y tế, nông nghiệp, dầu khí, công nghiệp hoá chất… Trong đó, lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, linh kiện nhựa nhất là ngành cơ khí với hai nhóm chính là sản xuất ô tô và xe máy. Lĩnh vực có số doanh nghiệp sản xuất lớn thứ hai là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, linh kiện nhựa cho ngành điện, điện tử, viễn thông. Nhóm nhựa kỹ thuật có số lượng doanh nghiệp nhiều thứ ba là ngành nhựa kỹ thuật xây dựng.
Các thành phố có số lượng doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (chiếm 37%) và Hà Nội (18%) và khá nhiều tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Long An, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, ngành nhựa kĩ thuật Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại sau:
Thứ nhất: trang thiết bị và trình độ công nghệ sản xuất và nguyên liệu nhựa, phụ gia phụ thuộc vào nước ngoài, còn chưa chủ động. Yếu tố trang thiết bị, công nghệ có một tác động to lớn đến sự phát triển của ngành nhựa nói chung, nhựa kĩ thuật nói riêng. Các công ty nhựa Việt Nam trong những năm qua đã chú ý đến việc đầu tư nâng cấp công nghệ đổi mới trang thiết bị cập nhật số với thế giới tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu do công nghệ đã đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với ngành nhựa hiện nay đang là một trở ngại lớn do hầu hết các 90% tổng số máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa của ngành: máy ép, máy đùn, máy thổi… đều phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhựa, phụ gia và hạt compound nhựa kỹ thuật đầu vào cũng chủ yếu nhập khẩu và các đơn hàng đa số do các doanh nghiệp khách hàng đặt gia công chỉ định nguồn cung cấp
Thứ hai: Thị trường nhựa kỹ thuật phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài, kể cả đầu ra và đầu vào. Nhựa kỹ thuật là lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Sự hình thành và phát triển của ngành nhựa kĩ thuật ở Việt Nam trong một thời gian dài gắn liền với sự đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các ngành sản xuất xe máy, thiết bị điện, điện tử, cơ khí phụ trợ… đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, châu Âu như Honda, Yamaha, Canon, Samsung, LG, Lego, Panasonic, Canon, ngoài ra còn có Vinfast của Việt Nam...
Thực tế các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật Việt Nam vẫn chưa có thị trường đủ lớn, chưa chủ động hay tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất cũng ứng toàn cầu, chưa được tham gia kĩ vào quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật nhiều giá trị cao. Trong số các công ty nhựa kỹ thuật cung cấp linh kiện nhựa cho xe máy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có năng lực vượt trội hơn so với các doanh nghiệp nhựa trong nước. Do phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật không có điều kiện thực hiện một số công đoạn như công đoạn thiết kế, đa phần ở Việt Nam là làm gia công, còn với các thiết kế đã có sẵn từ các trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn mẹ ở nước ngoài nên các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật ở trong nước ít có cơ hội và kinh nghiệm trong thiết kế các sản phẩm nhựa kỹ thuật
Thứ ba: Hạn chế trình độ công nghệ : Về cơ bản, quy trình chế tạo sản phẩm NKT ở Việt Nam đang áp dụng đúng quy trình chung của thế giới, tuy nhiên các doanh nghiệp phần lớn tiếp cận ở một số khâu trong quy trình nhất định, rất ít có doanh nghiệp thực hiện toàn bộ quy trình do trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế. Điểm mạnh là tập trung vào phần gia công, do đó các công nghệ phát triển phổ biến trong nước là công nghệ gia công, các giai đoạn tạo mẫu, thiết kế mới ở mức tiếp xúc và nhỏ lẻ, qua bản đồ công nghệ có thể đánh giá năng lực công nghệ của ngành nhựa kỹ thuật tại Việt Nam bám sát quy trình sản xuất sản phẩm với 6 nhánh công nghệ chính, 5 lớp công nghệ, 47 công nghệ lớp cuối và 215 thông số công nghệ. Điểm đánh giá năng lực công nghệ các nhánh công nghệ chính được thể hiện như: thiết kế sản phẩm 54,04%, thiết kế và chế tạo khuôn 70,27%, gia công sản phẩm 55,92%, gia công hoàn thiện 70,2%, lắp ráp 70% và đo kiểm 75,91%. Nhìn chung các mặt công nghệ về nhựa kĩ thuật đều đạt mức trung bình và khá so với thế giới. Chiếm một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật có xuất phát điểm là các doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu cho các doanh nghiệp FDI nên năng lực thiết kế, chế tạo khuôn tốt hơn năng lực thiết kế và gia công sản phẩm. Trong khi, đa phần các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa lớn, có thương hiệu, có thị trường sản phẩm không sản xuất nhựa kỹ thuật. Các doanh nghiệp trong ngành nhựa kỹ thuật phần lớn là còn non trẻ, nguồn vốn, nguồn nhân lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm, trình độ, quy trình sản xuất chưa chuyên nghiệp bài bản, thiếu chuyên gia và nhân lực đào tạo chuyên sâu.
Lưu ý
1. Các nhận xét trên chỉ đại diện cho ý kiến cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của trang web này;
2. Khi sao chép các bài viết, vui lòng ghi rõ nguồn từ "VNPlas.com (www.vnplas.com)" và bao gồm tên tác giả. Việc sử dụng cho mục đích thương mại cần có sự ủy quyền từ tác giả và trang web;
3. Nếu có sự vi phạm bản quyền, vui lòng liên hệ trực tiếp với tác giả hoặc gửi thư bằng văn bản đến công ty chúng tôi để được chuyển giao và xử lý.
Tin tức mới nhất

NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHỰA TẠI VIỆT NAM

Ngành nhựa Kỹ thuật tại Việt Nam - khó khăn - cơ hội
